Nhịp cầu yêu thương

Nhịp cầu yêu thương

Cơ sở may mặc Túy Hà nằm trên con đường Nơ Trang Long thuộc quận Bình Thạnh là một điểm thu hút người qua lại không vì vẻ nhộn nhịp của công việc ở nơi đây, mà những người dân chung quanh khu vực này rất mến mộ đôi vợ chồng trẻ vượt khó xây dựng lên; trong suốt một thời gian dài khi họ chân ướt chân ráo đến nơi đây lập nghiệp.

Hai người bạn trẻ này thực sự đã tìm được một điểm dừng lý tưởng để bắt đầu thực hiện những hoài bão cho tương lai của mình. Một miếng đất hơn một trăm mét vuông được rào chắn xung quanh, lọt thỏm giữa khu đất là một căn nhà cấp bốn khiêm tốn của một người địa phương cho mướn với giá cả cũng rất vừa vặn với khả năng của hai vợ chồng lúc đó.

Lúc đầu, Túy đi tìm những cơ sở may mặc lớn để xin nhận hàng về may gia công cùng với Hà, lâu dần kỹ năng về một ngành mà khi còn học cấp ba anh đã nghiên cứu theo dõi thị trường may nội địa cũng như may xuất khẩu sang những nước láng giềng. Cộng thêm Hà là người đã tốt nghiệp môn thiết kế thời trang của một trường học danh tiếng. Họ gom góp vốn liếng ít ỏi khi cùng nhau rời bỏ mảnh đất miền Trung di cư vào miền Nam sinh sống, để bắt đầu tự thiết kế và làm ra những sản phẩm về quần áo đem đi chào bán.

Công việc của hai vợ chồng tuy vất vả bởi "mọi sự khởi đầu nan", nhưng cứ mỗi cuối tuần cả hai ngưng nghỉ để cùng nhau đến một ngôi nhà thờ cách nơi ở khoảng năm cây số tham dự thánh lễ, họ tay trong tay hạnh phúc rạng rỡ dù hoàn cảnh di dân phải ở nhà thuê nơi đất Sài Gòn cách xa cha mẹ, những người thân thuộc.

Khi đứa con trai đầu lòng chào đời là niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng được vượt lên cấp số nhân, bởi họ đã có thêm vài người đến hợp tác công việc may mặc trong gian xưởng nhỏ. Cứ như thế, khi công việc phát triển Túy đã điều hành khôn khéo giúp cho một số thợ may cả lâu năm trong nghề và một số thợ trẻ mới có công việc ổn định. Người chủ nhà đã gợi ý muốn bán căn nhà đang cho Túy, Hà thuê; một phần vì họ dư nhà, một phần vì do họ quý mến đôi vợ chồng trẻ đó.

ÁNH SÁNG MỜ DẦN

Nhưng sóng gió đã nổi lên, Túy một phần vì công việc của một ông chủ hay có những cuộc hẹn gặp gỡ với bên đối tác làm ăn, cũng có khi anh phải đi sang nước khác để tham quan thị trường và ký những hợp đồng quan trọng cho việc xuất khẩu hàng may cho cơ sở của gia đình. Tính tình anh cũng có phần không còn mềm mại mà thay vào đó là sự quyết đoán rồi có khi bỏ quên người vợ cũng đang rất cần sự quan tâm và chiều chuộng của chồng.

Điều gì đến sẽ đến, sự chịu đựng âm ỉ của Hà một lúc nào đó trở thành sự mâu thuẫn căng thẳng giữa hai vợ chồng. Họ không còn cùng nhau đến nhà thờ, thay vào đó là chỉ mình Hà đưa con đi lễ khi Túy đang còn bận một thương vụ chưa xong, hoặc Túy sẽ tham dự thánh lễ ở một nhà thờ nào đó khi không kịp về nhà để cùng với Hà và con cùng đi.

Căn nhà của họ được xây dựng lại đẹp hơn xưa, nhưng hình như vết nứt giữa hai người đã bắt đầu xuất hiện. Cuối cùng đỉnh điểm của sự mâu thuẫn là quyết định ly thân của Hà. Cô đưa con về lại nhà mẹ đẻ, chọn con đường rời xa chồng, vì theo Hà thì khó lòng hạnh phúc được nữa khi anh đã thay đổi. Đứa trẻ non nớt chưa đủ tuổi để hiểu được nỗi bất hạnh đang treo lơ lửng trên cuộc đời mình vẫn vô tư vòi vĩnh khóc đòi gặp bố. Những lúc như vậy, Hà chỉ biết tìm những cách trấn an con cho qua chuyện. Hà có dự định sẽ gửi con cho mẹ để đi làm tại một công ty của một người bạn, và cô cũng bắt đầu cảm nhận sự lạnh lẽo hiu quạnh sau khi rời khỏi tổ ấm của mình.

Phần Túy anh lao vào công việc và chăm sóc cơ sở may như lúc Hà và con vẫn còn nơi đó. Mọi người ái ngại nhưng không ai dám nói đến sự không vui của gia đình này. Sự bình thản cương nghị nhưng ấm áp vui vẻ của một người chủ vẫn thể hiện trước mọi người lúc ban ngày, nhưng những dòng lệ lặng lẽ, âm thầm trong đêm vắng khi nghĩ về Hà và nỗi nhớ thương con luôn trăn trở trong anh. Sự tự ái của một người đàn ông cản bước khi anh có đôi lần muốn tìm gặp Hà và con. Anh nghĩ mình không có lỗi gì để phải đến trước Hà nói lời xin hàn gắn lại.

CON ĐƯỜNG SÁNG DẦN

Một buổi chiều mưa tháng 6/2019, khi đang trong văn phòng của một công ty dược phẩm Hà nhận được điện thoại của mẹ báo tin con trai bị sốt cao, mê sảng, cô vội vã quay trở về bên con để kịp đưa con đến bệnh viện cấp cứu. Nhờ vào sự tích cực của êkip trực cấp cứu của bệnh viện cháu bé đã qua cơn nguy kịch, và khi tỉnh táo lời nói đầu tiên của con trai bên tai mẹ: "Ba đâu rồi mẹ". Hà bất chợt ôm con bật khóc nức nở, nỗi buồn tủi trong lòng như được khơi dậy mãnh liệt cùng với nỗi ân hận vì đã có lỗi làm cho ký ức tuổi thơ của một đứa trẻ thiếu vắng đi một tình cảm thiêng liêng mà chắc chắn không có gì thay thế được.

Và hình như cũng có sự đồng cảm nên cháu bé cũng bắt đầu khóc theo mẹ. Giây phút ấy một bàn tay đặt lên vai Hà tiếp theo là sự xuất hiện từ lúc nào của Túy trong căn phòng của bệnh viện mà cả hai mẹ con đều không hay biết. Anh đã được mẹ Hà báo tin con trai mình bệnh nặng, người cha ấy đã quăng bỏ cái tôi to lớn, bỏ công việc bận rộn để lấy vé máy bay đi chuyến sớm nhất có thể.

Đứa trẻ mau chóng khỏe lại trong sự tận tình của các bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện, nhưng có lẽ sự có mặt của cha mẹ kịp lúc đã giúp cháu bé thay đổi tích cực về mặt tâm lý. Gánh nặng đè trên vai một phụ nữ trẻ được giải tỏa bằng những câu nói chân tình của chồng. Trái tim của một người gia trưởng chợt rung lên cung bậc yêu thương vô hạn dành cho vợ con mình.

Ngày xuất viện của con Túy đã đến bệnh viện làm thủ tục hành chánh và đón hai mẹ con Hà về lại tổ ấm của gia đình mình. Hai vợ chồng đã nắm chặt tay nhau thay cho lời xin lỗi và cảm ơn nhau, sau một thời gian họ bị lạc mất nhau.

Nhịp cầu yêu thương chính là cậu con trai kháu khỉnh yêu quý của họ, trong sự ngây thơ hồn nhiên như một thiên thần em đã giúp cha mẹ mình quay lại cung bậc vàng son của một thời yêu dấu, quay trở lại nơi tình yêu đã chắp cánh cho sự nghiệp của gia đình em thăng tiến. Và mãi mãi, đứa con sẽ luôn là nhịp cầu để cha mẹ hồi tâm, cố gắng giữ gìn những giá trị cao quý trong cuộc sống gia đình giữa xã hội hôm nay.