Ngôn ngữ báo điện tử có đặc điểm như thế nào?
1. Ngôn ngữ báo điện tử đa dạng
So với báo in chỉ sử dụng được ngôn ngữ viết để thể hiện thông tin thì ngôn ngữ báo điện tử rất đa dạng. Điều này dễ thấy khi chúng ta vào một số trang báo sẽ có thể vừa đọc, vừa nghe, vừa xem. Với báo điện tử, đây rõ ràng là một lợi thế cực lớn so với báo in, giúp tiếp cận một số lượng người đọc - khách hàng lớn hơn, và giúp người đọc - khách hàng sử dụng hầu hết mọi giác quan của mình.
Vì thế, người ta đang nhận định, tương lai không xa báo in (theo ngôn ngữ viết) sẽ chết. Báo điện tử với ngôn ngữ đa dạng sẽ lên ngôi, chiếm lĩnh thông tin, dễ dàng tiếp cận và níu kéo bạn đọc nhiều nhất. Mặc dù điều này vẫn còn gây tranh cãi (vì một số vấn đề liên quan đến văn hóa, và thói quen con người) nhưng mỗi người đọc chúng ta ngay lúc này cũng đang rời bỏ dần ngôn ngữ viết trên báo in, và chọn sự tiện lợi của báo điện tử nói chung.
Báo in ngày càng giảm lượng người đọc. Ảnh Internet
2. Ngôn ngữ của báo điện tử mang nhiều phong cách
Cụ thể, khi đọc (xem và nghe) một tin tức trên báo điện tử chúng ta có thể tìm kiếm hàng loạt thông tin tương tự ở các trang báo khác. Và lượng thông tin mà chúng ta tìm thấy là khổng lồ, với những “ma trận” được các tòa soạn điện tử thiết lập rất khéo léo.
Ví dụ, khi đọc tin một vụ hỏa hoạn, chúng ta sẽ thấy hàng loạt tin tức chữa cháy, mẹo chữa cháy, kể cả bán bình chữa cháy ngay trong (hoặc phía dưới) bài viết. Cứ như thế, ngôn ngữ được thể hiện trên không gian này không định hình theo một phong cách nào cả.
Chúng ta có thể thấy lượng thông tin khổng lồ và đa dạng phong cách ngôn ngữ được thể hiện ở báo điện tử. Ảnh Internet
3. Ngôn ngữ báo mạng mang ít dấu ấn cá nhân
Nếu như ngày trước, nhắc đến tên một tờ báo, một nhà báo là người ta sẽ nhớ đến dấu ấn riêng của từng tòa soạn, từng cá nhân nhà báo. Bởi thời điểm mà báo in còn phát triển mạnh mẽ, các tòa soạn lẫn nhà báo phải khẳng định dấu ấn của mình qua cách viết. Cụ thể hơn, tòa soạn phải có một đội ngũ phóng viên biết viết hay, viết khéo để bạn đọc nhớ và tiếp tục tìm mua báo vào ngày hôm sau.
Khi báo điện tử ra đời, càng về sau tính cá nhân này càng ít đi. Vì nhiều lý do, nhưng có 2 lý do chính như sau:
(1) Dấu ấn cá nhân trở nên không quá cần thiết, khi bạn đọc hầu chỉ đọc lướt. Và một bài báo được đăng tải sử dụng đa phương tiện (chữ viết, âm thanh, hình ảnh, đồ họa…) do hàng loạt người thể hiện, không thể làm “nổi bật một cá nhân” nào đó được.
(2) Báo điện tử cần lượt “view”, nên các tòa soạn chạy đua, tìm mọi cách để độc giả đến website của mình. Từ đây, dấu ấn cá nhân mai một dần.
Hiện nay, trên thế giới và tại Việt Nam một số tờ báo điện tử bắt đầu quay trở lại tìm “dấu ấn riêng”, tuy nhiên điều này chưa rõ nét. Phần lớn, chỉ ở một số chuyên mục nhỏ, không phải toàn bộ tờ báo.
Ngôn ngữ báo mạng mang ít dấu ấn cá nhân. Ảnh Internet
4. Ngôn ngữ trên báo điện tử mang bản sắc dân tộc
Nói gì thì nói, báo chí nói chung vẫn là cơ quan tuyên truyền của từng quốc gia, do đó phải mang bản sắc dân tộc quốc gia đó. Vì thế, ngôn ngữ trên báo điện tử thể hiện tinh thần dân tộc qua cách viết, trình bày bằng hình ảnh, clip… trong sáng, dễ hiểu, mang tính đại chúng.
5. Một số nguyên tắc viết bài theo ngôn ngữ báo điện tử
Điều khá nghịch lý trên báo chí đó là người viết luôn muốn viết dài, viết hay, còn người đọc chỉ muốn đọc ngắn, tranh thủ “lướt”. Vậy để viết theo ngôn ngữ báo điện tử thì cần có những quy tắc chung nào? Dưới đây là một vài gạch đầu dòng mà các phóng viên báo điện tử thường truyền tai nhau.
- Không vòng vo, hãy đi thẳng vào sự kiện ngay từ tiêu đề (Ví dụ nên viết “Cháy lớn tại nhà hàng A quận Bình Thạnh” thay vì viết “tại quận Bình Thạnh, một thực khách sơ ý đã khiến lửa từ bếp ga mini gây cháy…)
Ngôn ngữ báo điện tử đi thẳng vào sự kiện ngay từ tiêu đề bài viết tin tức. Ảnh Internet
- Sau tiêu đề nêu sự kiện chính, thì cần đi vào “ai, ở đâu, cái gì, tại sao?” để bạn đọc được thỏa trí tò mò.
- Sự kiện bình thường đừng nên viết quá 800 chữ. Ngoại trừ một số thể loại như: Góc nhìn, phóng sự, tường thuật… thì bài viết có thể dài hơn.
- Dùng nhiều đoạn ngắn, mỗi đoạn một ý trên bài báo điện tử để bạn đọc dễ hình dung.
- Dùng câu chủ động, hạn chế câu bị động, hạn chế tính từ mang cảm tính. Yêu cầu này bắt buộc chung cho ngôn ngữ báo chí để đảm bảo tính khách quan.
- Bài viết dài trên báo điện tử (với một số thể loại như phóng sự, phỏng vấn…) thì nên chia nhiều trung đề nhỏ.
- Cần có ảnh đi kèm, dù ảnh mờ, nhỏ cũng nên sử dụng vì bạn đọc rất cần xem. Báo điện tử rất ít bài viết mà không có hình ảnh, clip đi kèm.
- Có bảng biểu, đồ họa trong một số bài viết thì càng tốt.
- Link đến các bài viết có chủ đề tương tự (nhằm tạo ma trận để… níu kéo bạn đọc).
Bài tin tức báo điện tử thường có có bảng biểu, biểu đồ minh họa. Ảnh Internet
Ở trên là những đặc điểm ngôn ngữ báo điện tử. Đây chỉ là những đặc điểm nổi bật nhất, và không cố định, bởi báo chí nói chung ngày càng đổi thay theo xu thế chung. Báo điện tử thì sự đổi thay càng rõ rệt hơn, bởi thời đại số gần như bắt buộc các tòa soạn phải cập nhật những cách trình bày mới. Thêm một điều mà Truyền thông & Cuộc sống xanh muốn nhấn mạnh với bạn đọc ở bài viết này là, cần phân biệt giữa báo điện tử và trang thông tin điện tử. Hai loại hình này khác nhau, và đặc điểm ngôn ngữ thể hiện trên đó cũng khác nhau. Trong bài viết sau Truyền thông & Cuộc sống xanh sẽ đề cập ngôn ngữ thể hiện trên các trang thông tin điện tử hiện nay. Mời bạn cùng đón đọc!