Báo chí và mạng xã hội có mối quan hệ như thế nào?
Báo chí và mạng xã hội là cụm từ được bàn luận nhiều nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Trong thời gian đầu, có ý kiến cho rằng mạng xã hội và báo chí là “kẻ thù”, nhưng càng về sau mối quan hệ này càng trở nên phức tạp. Ở đó cả hai vừa là "bạn", nhưng đồng thời cũng là "thù"
Báo chí và mạng xã hội được cho là có mối quan hệ mà ở đó cả hai vừa là "bạn" vừa là "thù". Ảnh Internet
1. Báo chí và mạng xã hội: ai cần ai hơn?
Thời gian gần đây, hầu hết các tòa soạn báo đều xem truyền thông xã hội là một phần không thể tách rời. Đơn giản, các nền tảng mạng xã hội (social network) đã mang lại nhiều thứ hay ho cho báo chí. Trong đó phải kể đến 2 lợi ích chính: (1) Giúp tiếp cận nhiều độc giả hơn, (2) Hỗ trợ báo chí với sự tham gia làm báo của cộng đồng.
1.1. Về lợi ích tiếp cận nhiều độc giả
Ở lợi ích đầu tiên, mạng xã hội rõ ràng đã giúp cho việc truyền tải tin tức và thông tin báo chí trở nên vô cùng dễ dàng. Thống kê cho thấy, tỷ lệ nội dung đăng tải trên các mạng xã hội hiện nay phần lớn thuộc về các cơ quan báo chí. Và điều này lập tức giúp tin tức lan truyền nhanh hơn, tới nhiều độc giả - điều này đồng nghĩa với doanh thu của báo chí tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên,ở chiều ngược lại, trong mối quan hệ này mạng xã hội thu nhiều lợi nhuận hơn so với cơ quan báo chí. Cụ thể, các tờ báo càng đăng tải nhiều thông tin tức là đang làm giàu cho chính mạng xã hội. Điều đáng ngạc nhiên nằm ở việc tất cả tin tức chia sẻ lên đều… miễn phí.
Mạng xã hội rõ ràng đã giúp cho việc truyền tải tin tức và thông tin báo chí trở nên vô cùng dễ dàng. Ảnh Internet
1.2. Về lợi ích hỗ trợ báo chí
Ở lợi ích thứ hai, với sự phát triển rất nhanh của mạng xã hội, các tòa soạn giờ đây không phải là nơi độc quyền thông tin hay tạo ra thông tin nữa. Thay vào đó, các tòa soạn trở thành những người tiếp nhận thông tin.
Cụ thể, hiện nay báo chí bắt buộc phải chạy theo mạng xã hội. Các phóng viên sử dụng mạng xã hội không hẳn để “kết nối” như mục đích của nền tảng này. Thay vào đó họ sử dụng mạng xã hội để thu thập thông tin, thẩm định thông tin và phát hành thông tin. Do đó, một số tin tức nóng bây giờ xuất hiện trên mạng xã hội trước tiên, sau đó mới lên website, báo in…
Vì sao báo chí bắt buộc phải chạy theo mạng xã hội? Đơn giản vì công chúng ở mạng xã hội tạo ra một khối lượng nội dung đến mức khủng khiếp. Chưa bàn đến tính đúng sai, chỉ nói đến số lượng nội dung được chia sẻ trên nền tảng này đã khiến báo chí phải chạy theo vô điều kiện.
Mạng xã hội giúp thu thập, thẩm định và phát hành thông tin. Ảnh Internet
Như vậy, truyền thông xã hội đang mang lại nhiều lợi ích cho các tờ báo. Ở một khía cạnh nào đó, trên nền tảng này các tòa soạn dù lớn hay nhỏ cũng bình đẳng. Ngoài ra, nhờ mạng xã hội mà báo chí trở nên đa chiều hơn. Độc giả tiếp cận được tin tức chính thống nhanh hơn cũng như có điều kiện phản hồi lại với báo chí…
2. Báo chí và mạng xã hội: Những mặt trái
Ở phần 1 bài viết, chúng ta dễ dàng thấy viễn cảnh tươi đẹp về mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội. Tuy nhiên, không như là mơ, xung quanh mối quan hệ này còn dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực. Trong đó phía gánh chịu chính là báo chí (sau đó là công chúng, độc giả…). Vậy cụ thể tiêu cực hay mặt trái này là gì?
2.1. Báo chí và mạng xã hội với áp lực đưa tin
Vì áp lực đưa tin, chạy đua với mạng xã hội, báo chí hiện nay thiếu sự kiểm chứng rõ ràng. Mặc dù các tòa soạn đều biết một thực tế rằng thông tin trên mạng xã hội luôn thật giả lẫn lộn. Thế nhưng chính vì muốn đăng nhanh hơn đối thủ, họ chọn cách “đăng trước, gỡ sau”. Hoặc đáng buồn hơn, có nhiều cơ quan báo chí vì bị cuốn theo áp lực dư luận tạo nên bởi mạng xã hội, đã cho xuất bản những bài báo cảm tính, thiếu sự khách quan, dẫn đến những hậu quả khó lường.
Áp lực đưa tin khiến báo chí thiếu sự kiểm chứng. Ảnh Internet
Đơn cử gần đây nhất là câu chuyện “bức ảnh bé gái đến lớp sớm bị cô giáo phạt đứng trước cổng trường”. Thời điểm dư luận trên mạng xã hội xôn xao chuyện này, báo chí đã vào cuộc nhanh chóng. Rất nhiều bài viết phê bình cô giáo, nhà trường đã làm “hả dạ” bạn đọc. Nhưng rốt cuộc, một cú lật ngược vấn đề khiến báo chí “bẽ mặt”: Sự thực cô giáo và nhà trường không sai, mà chính phụ huynh của bé gái đã sắp đặt và chụp ảnh đăng lên Facebook!
2.2. Sự mất cân bằng và công bằng
Trong mối quan hệ báo chí và mạng xã hội hiện nay dẫn đến sự mất cân bằng và công bằng (giá trị của báo chí). Bạn đọc đều biết, báo chí bao giờ cũng phải đứng ở góc nhìn thứ ba quan sát sự việc, báo chí cần công bằng, không thiên vị bất cứ ai, bất cứ điều gì. Thế nhưng, chính mạng xã hội đã khiến niềm tin của bạn đọc với báo chí giảm xuống đáng kể. Trong đó nguyên do nằm ở việc nhiều tờ báo chỉ phản ánh sự việc một chiều theo mạng xã hội, không kiểm chứng hoặc kiểm chứng không đầy đủ nguồn tin.
Mạng xã hội đã khiến niềm tin của bạn đọc với báo chí giảm xuống đáng kể. Ảnh Internet
2.3. Tình trạng thiên kiến trong bài viết
Vì báo chí hiện nay phụ phuộc quá nhiều vào mạng xã hội đã dẫn đến một hậu quả đáng buồn hơn: thiên kiến trong bài viết. Cụ thể, chúng ta đều biết, trên nền tảng mạng xã hội vốn có xu hướng quy tụ những người có cùng quan điểm lại với nhau. Do đó, các nhà báo nếu tiếp cận mạng xã hội để làm nguồn tin thì rất dễ dấn đến tình trạng phân cực, chỉ nhìn thấy những điều “đồng thanh tương ứng”, không có cái nhìn bao quát. Từ đây dẫn đến cái nhìn đầy thiên kiến trong bài viết vốn đòi hỏi sự cân bằng!
Mạng xã hội càng ngày càng tinh vi, nơi đó công nghệ hoàn hảo đang dẫn dắt người dùng. Từ những thông tin cá nhân, những dòng trạng thái mà người dùng đăng tải mỗi ngày, các thuật toán sẽ quyết định “phân phối” nội dung đó đáng cho ai đọc. Đây là một cuộc đua mà báo chí không thể thắng.
Báo chí hiện nay phụ phuộc quá nhiều vào mạng xã hội đã dẫn đến tình trạng thiên kiến trong bài viết. Ảnh Internet
Vì thế, khi nói đến báo chí và mạng xã hội, những tòa soạn phải thay đổi đầu tiên. Cụ thể, thay vì chọn cách chạy theo số lượng tin tức khổng lồ trên nền tảng đó, báo chí cần tìm về thế mạnh của mình: Tạo ra những nội dung chất lượng! Từ đây và cũng chính điều này giúp báo chí gắn kết với những bạn đọc trung thành. Tạo niềm tin lâu dài với họ và đến một lúc nào đó hoa sẽ nở trái ngọt. Chính người đọc cũng tìm lại được cho mình những giá trị đích thực của báo chí mà họ mong đợi, vốn dĩ cân bằng và công bằng trong mọi thông tin.