Đầu Xuân, tôi ước
WGPSG -- Chiều 29 tháng Chạp năm Nhâm Thìn, tôi may mắn được tháp tùng một linh mục đến dâng lễ tại một trung tâm nuôi dưỡng những người khuyết tật. Họ gồm những người khác nhau về sự khiếm khuyết thể lý: khiếm thị, khiếm thính, mất tay, thiếu chân…, nhưng lại giống nhau ở điểm chung này: bị gia đình bỏ rơi! Thời gian họ ở lại trung tâm này cũng khác biệt: người chỉ vài ngày, người khác có đến vài năm, đặc biệt có người đã đến mấy chục năm không rời khỏi 4 bức tường trung tâm.
Những con người khuyết tật đó đã bị bỏ rơi bởi chính những người cùng dòng máu, họ bị khước từ và xua đuổi khỏi mối liên hệ linh thiêng: gia đình! Thế nhưng trong Thánh lễ, họ khiến tôi rất đỗi ngạc nhiên: giọng hát của họ vẫn trổi lên ngân vang, tiếng đọc kinh thật rõ ràng và đầy xác tín. Họ ca tụng Chúa thật sốt sắng ngay trong nghịch cảnh của cuộc đời bị loại ra bên lề xã hội. Thái độ tham dự Thánh lễ của họ khiến tôi ái ngại cho chính mình: tôi có điều kiện dâng lễ tạ ơn Chúa hằng ngày, thế nhưng khi xét lại mình: tôi dâng lễ chưa được sốt sắng như họ, lắm lúc còn thụ động không hát hoặc đọc kinh cùng cộng đoàn, thậm chí có khi tôi ngủ gật cả trong giờ phút thiêng liêng của Thánh lễ nữa.
Nhìn họ, tôi ước được sốt sắng dâng lời cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa giống như họ. Họ đã dạy cho tôi cách ca ngợi Thiên Chúa sốt sắng khi thuận lợi cũng như khi bất lợi!
Sau Thánh lễ ở bên ngoài nhà thờ này, tôi ghé trạm xăng để nạp thêm nhiên liệu cho chiếc xe yêu dấu của mình. Đến trạm xăng, tôi đứng gần cây xăng hơn một chị đến trước tôi, cho nên người bán hàng nhầm là tôi đến trước và ông hỏi: “Anh đổ bao nhiêu?”
Tôi lên tiếng: “Chú đổ cho chị kia trước đi vì chị đến trước cháu!”
Cô gái trả lời tôi: “Họ muốn đổ cho chú trước, thì chú cứ nhận đi, sao lại nhường cho chị?”
Tôi cười: “Em không vội lắm, vả lại, chị đến trước em mà!”
Cô gái cười tươi: “Cám ơn chú nha!” Rồi giải thích tại sao chị lại đi đổ xăng chiều ngày Giao thừa, trong khi bình xăng hãy còn hơn một nửa: “Đổ đầy để mong ước năm mới gia đình được sung túc dư dả!”
Ông bán xăng nghe thế liền xen vào câu chuyện: “Mong ước thì cứ mong, nhưng không nỗ lực làm việc mà cứ muốn có nhiều tiền thì chỉ có đi làm ăn cướp!”
Nghe ông nói, tôi cười thầm, nghĩ rằng: “Ngay cả cướp cũng phải ‘làm’ mới có ăn và có tiền tiêu xài, hihihi!”
Câu chuyện vắn vỏi vài phút đồng hồ, nhưng khiến tôi không ngừng suy nghĩ suốt quãng đường về. Trước hết, ngày cuối cùng của năm âm lịch, người ta đối xử với nhau lịch sự và dễ thương quá, như thể mọi người nghĩ rằng: lịch sự và đáng yêu trong dịp cuối năm thì sang năm mới bản thân mới đáng yêu trong mắt người khác! Kế đến, nghĩ về hai nỗ lực làm ăn: chân chính và cướp bóc, cả hai đều nhắm đến cuộc sống đầy đủ vật chất, tiện nghi và thoải mái, thế nhưng làm ăn chân chính thì đem lại ích nước lợi nhà, vui ta vui người, còn điều kia thì ngược lại chỉ khiến bản thân và người bị hại buồn và chán!
Tôi ước chi người ta không chỉ lịch sự và đáng yêu trong những ngày cuối năm hay đầu năm mà là suốt cả năm luôn, đồng thời tôi cầu chúc mọi người có công ăn việc làm chân chính và đem lại hạnh phúc cho nhà nhà, người người!
Đêm xuống, giờ khắc linh thiêng của đất trời càng cận kề: Bác Rồng chuẩn bị bàn giao công việc cai quản năm mới cho Chú Rắn, tôi cùng một người bạn thân lên đường đi phát quà tết cho những người không gia đình, không nhà cửa đang phải “đón xuân” bên lề đường.
Nơi điểm tập trung, hai chúng tôi được ban tổ chức chương trình “Đêm đông không nhà” đưa 7 phần quà gồm 7 bánh chưng và 7 phong bao lì xì. Lần đầu tiên tham gia chương trình, nên khi vừa đón lấy phần quà khá ít ỏi của nhóm, tôi lên tiếng hỏi: “Sao đưa em ít vậy?” (tôi nghĩ người nghèo không nhà không cửa thì có rất nhiều, 7 phần quà chắc chỉ một loáng là phát xong!). Trưởng ban tổ chức cười: “Em ơi, 7 phần thôi nhưng cũng đến sáng mới xong đó!” Tôi nhận lấy, nhưng lòng vẫn không tin lắm, vì thường ngày tôi nhìn thấy rất nhiều người ngủ ngoài đường phố mà!
Đến khi lên đường, rong ruổi gần hết các con đường quanh khu vực bến xe Tây Ninh mà hai chúng tôi chỉ gặp và trao quà cho 2 người kém may mắn mà thôi! Chạy lòng vòng mãi, chúng tôi cảm thấy lo âu: quà ít ỏi vậy mà vẫn chưa gặp được đúng đối tượng để trao để tặng nên vẫn còn khá nhiều trong giỏ! Chẳng lẽ người nghèo đã hết nghèo? Chẳng lẽ Lời Chúa mất tính chính xác: người nghèo luôn ở bên anh em? Tôi và người bạn trao đổi với nhau: chúng ta mong gặp người nghèo để trao hết quà, hay là nên vui mừng vì đã hết người nghèo?
Trời về sáng, cái lạnh thấm vào da thịt (dù đã mặc đến 3 lớp áo ấm) khiến chúng tôi chạnh lòng khi thấy những người phải ngủ trên ghế đá và vỉa hè với vài tấm áo mỏng manh! Họ thật đáng thương! Thế nhưng, khi trao quà cho họ, tôi nhìn thấy trong ánh mắt đang rơm rớm nước kia không phải là ước ao có đầy đủ vật chất để đón xuân, mà hằn lên một nỗi khao khát có được một ai đó sẵn sàng lắng nghe và ở bên họ giữa lúc họ đang lạnh lẽo: lạnh bởi thời tiết, lạnh bởi lòng người hắt hủi, xa tránh họ!
Tôi ước chi có thêm thời gian để ngồi bên họ đón Tết, vì khi hai trái tim ở gần nhau, trao nhau tình người, thì chắc chắn sẽ ấm áp hơn là một con tim cô độc ngồi bên vệ đường hứng gió xuân! Nhưng trên hết, tôi ước gì “không được” làm việc tốt như việc đi trao quà tết giữa giờ phút giao thừa nữa, điều ước này chỉ thành hiện thực khi người người đều được ấm no phúc hạnh!
Đầu năm, tôi ước thật nhiều!
Theo TGPSAIGON.NET