Chuẩn mực ngôn ngữ website có những nguyên tắc nào?
1. Khái niệm chuẩn mực ngôn ngữ website
Dạo một vòng quanh các tổ chức, công ty… có website tiếng Việt, dễ thấy hầu hết các website này đều có mục Tin tức - sự kiện. Ở mục này, đưa lên rất nhiều thông tin liên quan tổ chức, công ty đó. Tuy nhiên, điều đáng nói là dường như chưa thấy sự thống nhất giữa các bài viết. Hay nói cách khác, trên các website này mỗi người dường như đang làm “một nẻo”, chưa có chuẩn mực ngôn ngữ website.
Vậy có thể định nghĩa chuẩn mực ngôn ngữ website là tổng hợp những quy tắc để cho đội ngũ nhân viên quản trị website đó thực hiện đúng. Thông qua đó, người đọc (khách hàng, người quan tâm…) thấy dễ hiểu, dễ cảm và một cách để thể hiện tính chuyên nghiệp, quảng bá hình ảnh tốt nhất.
Chuẩn mực ngôn ngữ website là tổng hợp những quy tắc để cho đội ngũ nhân viên quản trị website đó thực hiện đúng. Ảnh Internet
Cụ thể hơn một chút, về phương diện ngôn ngữ, điều này có lẽ cũng là điều mà những người đang phụ trách các website, đặc biệt là các website của tổ chức, công ty lớn, có một lượng nhân viên và khách hàng đông đảo nên quan tâm nhiều hơn.
Hiện nay, ở một số cơ quan báo chí trong nước đã có các quy tắc về ngôn ngữ thể hiện trên trang báo của họ (báo in và website). Đa số những quy tắc này lưu hành nội bộ, bắt buộc phóng viên, biên tập viên phải tuân theo để đảm bảo tính thống nhất. Một số tờ báo còn chỉnh lý, bổ sung hằng năm để phù hợp với xu thế phát triển của ngôn ngữ nói chung.
Mặc dù các tòa soạn báo chí sẽ có những quy định khác nhau một chút (do quan điểm?), nhưng tất cả đều nhắm đến một mục đích: xác lập một thứ tiếng Việt chuẩn mực, không chỉ dùng cho đội ngũ nhân viên, phóng viên mà còn thông qua đó thể hiện sự chuyên nghiệp của tòa soạn, qua đó níu giữ bạn đọc, nhất là những bạn đọc chân thành (và khó tính).
2. Chuẩn mực ngôn ngữ trên website cần thể hiện như thế nào?
Hiện nay, chúng ta dễ thấy, các trang web trong nước đã có những bước tiến dài về giao diện, công nghệ lẫn lượng tin tức được đẩy lên. Tuy nhiên, dường như đó chỉ là mặt nổi – vốn lung linh và đẹp đẽ, trong khi phần chìm, về phạm vi ngôn ngữ thể hiện trên đó chưa được quan tâm (nếu không muốn nói là có phần cẩu thả, gây ức chế cho người đọc).
Ngôn ngữ trên website chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh Internet
Vậy chuẩn mực ngôn ngữ website cần phải tuân theo những nguyên tắc nào? Rất khó để trả lời cặn kẽ câu hỏi đó. Trong phạm vi bài viết này, theo người viết, một website chuẩn tiếng Việt phải đáp ứng 4 yếu tố sau.
Thứ nhất, bắt đầu từ thực trạng lỗi chính tả, khi nhiều trang web hiện nay không có đội ngũ biên tập viên để kiểm soát những lỗi này? Hoặc cũng có thể do thiếu một chuẩn mực ngôn ngữ website, họ thiếu căn cứ để đánh giá, sửa sai?. Mặc dù việc sai lỗi chính tả không thể đòi hỏi hoàn toàn được, trong một giới hạn nhất định phải chấp nhận sai số này. Tuy nhiên, việc sai nhiều và sai liên tục, sai những lỗi cơ bản khiến người đọc “hết sức chịu đựng”. Để minh chứng, chúng ta có thể tìm thấy ở những tít trên các website của các doanh nghiệp, tổ chức… Những lỗi sai này sẽ khá nguy hiểm nếu trang web đó thuộc các lĩnh vực như y tế sức khỏe, giáo dục…
Thứ hai, một website chuẩn tiếng Việt thì mục Tin tức - sự kiện nên tuân theo ngôn ngữ báo chí: khách quan, trung thực và hạn chế ý kiến chủ quan của người viết. Hiện nay, các website ở Việt Nam có “bệnh” thích nói theo ngôi thứ nhất, thích dùng “tôi” trong những bài viết đáng lẽ phải đứng ở ngôi thứ ba để miêu tả. Điều này vô tình làm cho thông tin cần truyền tải đến người đọc bị méo mó, không còn chính xác (vì đọc thấy ý kiến chủ quan sẽ khó tin).
Thứ ba, chuẩn mực ngôn ngữ website cần ngắn gọn, súc tích, đi vào trọng tâm thông tin. Đây cũng là “bệnh” của nhiều trang thông tin điện tử, luôn thích “nói dài, nói dai” với những lời sáo rỗng, hô hào, người đọc chưa đọc đã thấy “chối”. Ví dụ, trên website của một trường đại học lớn nhất nhì Việt Nam, ngay đầu mục Tin tức, có một tít bài thế này: “Phát huy truyền thống, đổi mới toàn diện với mục tiêu phát triển thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn”. Rõ ràng đây là một tít bài quá dài, người đọc không muốn đọc, và người viết thì có thể chọn một cách khác, viết tít ngắn hơn.
Chuẩn mực ngôn ngữ website cần ngắn gọn, súc tích, đi vào trọng tâm. Ảnh Internet
Thứ tư, hãy tuân theo một phong cách tùy vào lĩnh vực mà website hướng đến. Ví dụ, với website liên quan giáo dục nên chọn phong cách ngôn ngữ chính chuyên, website liên quan giới trẻ nên chọn phong cách ngôn ngữ trẻ, “teen”… Cần tránh tình trạng trộn lẫn, “ngô không ra ngô, khoai không ra khoai” thành một trang web rất… buồn cười.
Cuối cùng, để có chuẩn mực ngôn ngữ website thì các tổ chức, doanh nghiệp… cần xây dựng bộ quy tắc này. Như tại các tòa soạn báo, gọi tài liệu này là quy chuẩn về ngôn ngữ, trong đó quy định tất cả cách viết, cách dùng từ, cách viết tắt, viết đơn vị đo lường… chung cho đội ngũ quản trị. Có như thế mới tạo nên sự thống nhất, và góp phần tạo nên sự chuyên nghiệp, ghi dấu ấn với người đọc.
Tất nhiên, ngôn ngữ luôn phát triển, không một bộ quy tắc nào gọi là hoàn hảo cả. Nhưng cũng chính vì thế mà các tổ chức cần tạo nên những bộ quy tắc riêng, để từ đó sáng tạo trên “cái nền đã thống nhất”, tạo nên sự quy củ về lâu dài. Và hãy lưu ý, quá trình xây dựng bộ quy tắc này nên tham khảo ý kiến chuyên gia (các nhà ngôn ngữ học), và làm thận trọng, cẩn thận, nếu có thêm phần phản biện thì càng trở nên tốt hơn.